Đầu năm 2022, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng
dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06). Đề án có 7 quan điểm
chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Việc thu phí tự động trên nền
tảng của hệ thống ETC mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, thuận tiện cho người sử
dụng dịch vụ.
Mục tiêu tổng quát
của Đề án phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp
dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển
công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu
dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
“Điểm sáng” về chuyển đổi số
Tại Hội
nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 hồi cuối
năm vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: Đây là đề án được chỉ đạo
và thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, bởi chuyển đổi số là việc bắt
buộc phải làm, nhưng rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu hành động quyết liệt
thì khó có thể đạt được kết quả.
Đánh giá kết quả sau hơn 2
tháng thành phố Hà Nội áp dụng thí điểm công nghệ RFID vào thu phí bãi đỗ nội
đô với cả ô-tô và xe máy, các chuyên gia giao thông nhận xét, các giao dịch có
tốc độ nhanh, giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc tại bãi đỗ. Thu
phí áp dụng công nghệ tại các bãi đỗ xe đáp ứng tiêu chí “hai không, một có”
(không dừng xe, không tiền mặt và có hóa đơn truyền thẳng đến cơ quan thuế). Với
những tiện ích vượt trội, các chuyên gia kiến nghị, trước mắt, cơ quan quản lý
ưu tiên phát triển và phổ cập dịch vụ ở khu vực nội đô, các thành phố lớn.
Soi chiếu các quan
điểm chỉ đạo lớn và mục tiêu tổng quát, Đề án 06 khuyến khích việc chuyển đổi
từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử. Thu phí bãi
đỗ không dừng hoàn toàn phù hợp với xu hướng này, giúp giảm thiểu việc sử dụng
tiền mặt, tăng tính minh bạch trong giao dịch. Hệ thống thu phí không dừng thu
thập một lượng dữ liệu lớn về người dùng, phương tiện, thời gian gửi xe, giúp
xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về giao thông.
Dữ liệu
này có thể được sử dụng để phân tích, đánh giá tình hình giao thông, từ đó đưa
ra các định hướng và quyết sách quản lý hiệu quả hơn. Ngoài ra, hệ thống còn
giúp tự động hóa quá trình thu phí, giảm thiểu sai sót, gian lận và quản lý số
lượng phương tiện ra vào, tối ưu hóa sử dụng không gian bãi đỗ.
Hệ thống
thu phí gửi xe không dừng có thể được tích hợp với các hệ thống khác như giao
thông thông minh, quản lý đô thị, tạo thành một mạng lưới thông tin liên thông,
phục vụ quản lý đô thị hiệu quả. Bên cạnh đó, thông tin về giao dịch phí gửi xe
cũng được đồng bộ với hệ thống của cơ quan thuế, nâng cao sự minh bạch, làm gia
tăng niềm tin cho người dân.
Theo TS Khương Kim
Tạo, chuyên gia giao thông, việc thanh toán trông giữ xe không dùng tiền mặt
với các tiêu chí minh bạch, thuận tiện và văn minh, hiện đại đã hài hòa lợi ích
cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt đối với người dân, khi
triển khai mô hình này sẽ hạn chế tiêu cực, thu đúng giá, thuận tiện ra vào
không dừng, dễ tìm kiếm đặt chỗ và tiết kiệm thời gian. Chính quyền cũng không
bị thất thu thuế; doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Hoàn thiện hệ thống, mở rộng quy mô
Đánh giá
cao việc thanh toán không dùng tiền mặt cho các phương tiện khi gửi xe, chị
Phạm Thanh Hương (trú tại phố Vĩnh Hưng, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy gửi xe
ở bãi thu phí không dùng tiền mặt rất tiện, không còn lo sợ bị chặt chém, hay
nhập nhèm về mức phí. Lần này, tôi gửi chỉ mất 5.000 đồng/lượt trong khi tháng
trước đưa mẹ đi bệnh viện khám, tôi gửi ở bãi xe khác họ thu 10.000
đồng/lượt". Anh Phùng Tuấn Ngọc (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhận xét, việc
gửi xe không dùng tiền mặt rất văn minh, thuận tiện, minh bạch, không xảy ra
tình trạng thu quá giá quy định, dẹp được các điểm trông xe tự phát.
Thống kê
sơ bộ đến giữa tháng 7 vừa qua, đã có gần 300 nghìn lượt giao dịch gửi xe áp
dụng thu phí không dừng với tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng; trong đó, thanh
toán qua QR code, VETC, ePass chiếm hơn 90%; chỉ dưới 10% thanh toán bằng tiền
mặt. Số lượt giao dịch có chiều hướng tăng dần theo từng tuần, riêng tuần từ
ngày 6-12/7 đã có gần 30 nghìn lượt, tăng hơn 3.200 lượt (10,8%) so với tuần
trước đó. Hệ thống tự động giúp hiển thị rõ ràng thời gian đỗ xe và mức phí
tương ứng, giảm thiểu tranh chấp và bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng.
Hiện tại, các doanh
nghiệp cung cấp giải pháp đang nỗ lực hoàn thiện, nâng cấp hệ thống để tiến tới
bãi đỗ không dừng thay thế những nhược điểm của hình thức thanh toán QR hiện
tại. Theo đánh giá của đại diện doanh nghiệp, mặc dù về mặt công nghệ, nhà cung
cấp hoàn toàn có thể xử lý vấn đề này, nhưng vẫn phải chờ các quy định cụ thể
từ cơ quan quản lý có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn quen với
việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày, nhất là người lớn tuổi có
tâm lý e ngại khi áp dụng công nghệ mới vào cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày,…
Hệ thống thu phí điện tử không dừng
(ETC) là lĩnh vực mới, liên quan nhiều đơn vị, lĩnh vực nên
trong quá trình triển khai trước đây, hệ thống ETC (bao gồm cả tài khoản thu
phí) chỉ phục vụ việc thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm BOT,
không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác. Do vậy, cần điều chỉnh
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở tổ chức triển khai
thực hiện.
Theo ý kiến của các chuyên
gia kinh tế, việc thu phí tự động trên nền tảng của hệ thống ETC sẽ mang lại
nhiều lợi ích cho xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và nâng cao hiệu
quả đầu tư của các dự án ETC. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng
nghiên cứu, ban hành các quy định về thanh toán điện tử giao thông, có chính
sách khuyến khích mở rộng dịch vụ trên nền tảng ETC để tạo sự thuận lợi tối đa
cho người sử dụng.
Một
bãi đỗ xe áp dụng thu phí không dùng tiền mặt trên đường Lý Thái Tổ (quận Hoàn
Kiếm, Hà Nội).
Bộ
Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án giao thông thông minh
theo hướng toàn diện, đa chiều, đồng bộ, thống nhất với tổng thể quy hoạch và
công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Chính quyền và doanh
nghiệp bằng tinh thần cởi mở, hợp tác, sẵn sàng đón nhận ý kiến đóng góp để cải
thiện dịch vụ, theo tôn chỉ “Sự hài lòng của người dân là trên hết”.
Hiện
tại, thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an thành phố
và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể quy hoạch điểm, bãi trông giữ xe; đánh
giá tình hình cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông
giữ xe có thu phí trên địa bàn trong tháng 8 này. Đồng thời, khuyến khích các
quận, huyện trên địa bàn rà soát, mở rộng phạm vi ứng dụng trông giữ xe không
sử dụng tiền mặt.
Nguồn: nhandan.vn