Theo báo cáo an ninh website được thực hiện bởi CyStack, trong quý cuối cùng của năm ngoái, tổng số lượng vụ xâm phạm website tại Việt Nam đã giảm mạnh, từ hơn 2.500 vụ trong quý III/2019 giảm xuống còn 856 vụ, giảm tới 69%.Sử dụng các phím mũi tên Lên/Xuống để tăng hoặc giảm âm lượng.
Theo báo cáo an ninh website được Công ty an toàn thông tin CyStack công bố hôm nay, ngày 11/2/2020, kết thúc năm dương lịch 2019, hệ thống CyStack Attack Map ghi nhận 563.000 cuộc tấn công vào các website trên toàn cầu. Trong đó, 236.000 cuộc tấn công là nhắm vào các website có máy chủ đặt tại Mỹ, chiếm tỉ trọng tới 41,9% toàn thế giới.
Với hơn 9.300 vụ xâm phạm vào các website của các tổ chức, Việt Nam xếp thứ 11 trên thế giới và xếp thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Indonesia và Singapore.
“Có thể thấy, số lượng vụ xâm phạm website trên toàn cầu và tại Việt Nam có xu hướng đối nghịch nhau trong 3 quý đầu năm ngoái, và cùng đi xuống vào quý IV/2019. Tuy nhiên, tín hiệu của Việt Nam có phần tích cực hơn khi số vụ tấn công web giảm mạnh so với quý III: hơn 2.500 giảm xuống còn 856 vụ (giảm 69%), khiến Việt Nam từ xếp thứ 10 trong quý III xuống thứ 19 trong quý IV năm 2019. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho tình trạng an ninh website và an toàn thông tin tại Việt Nam nói chung”, báo cáo của CyStack cho hay.
Thống kê của CyStack cho thấy, thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ tấn công toàn cầu đã có những sự chuyển biến tích cực trong năm dương lịch 2019, thể hiện rõ nhất vào quý IV khi Việt Nam giảm thiểu tới 69% các vụ tấn công website so với quý III cùng năm. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Singapore.
Ngược lại, các quốc gia như Indonesia và Nhật Bản đều phải chứng kiến các dấu hiệu tiêu cực trong an ninh website. Đặc biệt là Nhật Bản khi số cuộc tấn công website có máy chủ đặt tại nước này này tăng mạnh trong Quý IV, khiến Nhật Bản nhảy vọt lên vị trí thứ 7 trong danh sách. Như thường lệ, Mỹ vẫn đứng số 1 và không có sự thay đổi đáng kể nào trong năm 2019.
Phân tích của CyStack còn chỉ ra rằng, hơn 45% số website bị hack trên toàn cầu sử dụng tên miền .com, theo sau là tên miền .in (6%) và .net (4,3%). Trong đó, tại Việt Nam, hơn 80% các website bị tấn công là website thương mại và website của các doanh nghiệp, tổ chức (.com và .vn). Ngoài ra, các tên miền bị tấn công ít hơn bao gồm .net, .info, .org.
Cũng theo số liệu trong báo cáo, gần 3/4 số trang web bị hack tại Việt Nam sử dụng nền tảng quản trị nội dung WordPress. Theo sau là Drupal và Joomla với lần lượt 12,99% và 6,7% số website bị tấn công.
Ngoài ra, nền tảng hệ điều hành Linux và máy chủ web Apache là đối tượng bị tin tặc nhắm đến nhiều nhất. 46,02% số máy chủ bị hack sử dụng hệ điều hành Linux và 29,98% sử dụng máy chủ web Apache.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc công nghệ CyStack nhận định, có rất nhiều sai lầm cơ bản của chủ website khiến cho trang web bị hack như: quản lý mật khẩu kém; sử dụng theme & plugin có chứa mã độc; lập trình không an toàn tạo ra lỗ hổng bảo mật trong website; cấu hình cloud không an toàn; phân quyền quản trị web chưa hợp lý…
Theo đó, để giảm thiểu khả năng website bị hack, chuyên gia CyStack khuyến nghị, người dùng cần thực hiện các biện pháp cải thiện bảo mật cho website như: sử dụng mật khẩu mạnh và quản lý mật khẩu tập trung; phân quyền quản trị hợp lý; không sử dụng các theme & plugin không rõ nguồn gốc; luôn cập nhật CMS khi có thể; rà soát lỗ hổng cho website; liên tục theo dõi các vấn đề bảo mật phát sinh để kịp thời ứng phó.
Báo cáo an ninh website là báo cáo thống kê và phân tích tình hình tấn công website trên toàn thế giới, được thực hiện định kỳ hàng quý bởi CyStack. Dữ liệu trong báo cáo này được trích xuất từ hệ thống CyStack Attack Map (attacks.cystack.net) do CyStack nghiên cứu và phát triển.