Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản
Lượt xem: 405

(binhthuan.gov.vn) Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trong nông nghiệp thông minh nhằm tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, sản xuất nông nghiệp truyền thống của nước ta thời gian qua đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự không rõ ràng về thông tin đã ảnh hưởng tới mối quan hệ cung - cầu; người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường không rõ ràng về sản xuất dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản; người nông dân không bán được sản phẩm tới người tiêu dùng nên giá trị thu về thấp. Do đó, việc hình thành “Sàn thương mại điện tử” cho nông dân là cần thiết để nước ta xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững và chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Ở tỉnh ta, để dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại và thực hiện thành công việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra các nông sản chất lượng cao. Thông qua, ứng dụng chuyển đổi số mà người dân, doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn cung về vật tư sản xuất với chất lượng tốt, giá cả hợp lý; đồng thời, tiếp cận thêm nhiều kênh thông tin về thị trường và có thể bán trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch điện tử; ngoài ra, người dân và doanh nghiệp còn có thể liên kết với nhau để cùng sản xuất và bán sản phẩm của mình trước khi tiến hành sản xuất…

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 trang Web hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp còn sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để điện tử hóa các sản phẩm nông nghiệp thương mại nhằm tăng đầu ra cho sản phẩm của mình.

Hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã biết ứng dụng internet dữ liệu BigData vào sản xuất, đó là sử dụng các đầu dò cảm biến để quan trắc, cảnh báo, đo lường trong các nhà màng nông nghiệp công nghệ cao hay tại các trại sản xuất thanh long công nghệ cao; trong đó, có việc đo nhiệt độ, độ ẩm và một số chỉ tiêu môi trường khác. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm nhật ký điện tử cũng đang được nhiều hộ dân và doanh nghiệp áp dụng rộng rãi nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Việc triển khai truy xuất nguồn gốc thông qua nhật ký trên các thiết bị điện tử đã thay thế phương pháp ghi chép sổ sách truyền thống nhằm rút ngắn thời gian ghi chép, truy xuất và đảm bảo độ lưu trữ lâu dài, hạn chế tình trạng thất lạc thông tin truy xuất.

Để hỗ trợ phát triển Thương mại điện tử bền vững cho trái thanh long Bình Thuận, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) triển khai thí điểm nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử; theo đó, từ năm 2020 đến nay, VECOM đã hợp tác với UNDP tổ chức nhiều chương trình thí điểm hỗ trợ đào tạo và tập huấn, giúp các hợp tác xã thanh long Bình Thuận làm quen và tiếp cận hướng kinh doanh mới, trên môi trường trực tuyến.


Thanh long Bình Thuận được dán tem Qrcode để truy xuất ngồn gốc sản phẩm

Cùng với việc áp dụng các quy trình sản xuất thanh long an toàn như VietGAP, GlobalGAP và đăng ký mã số vùng trồng, nhiều Hợp tác xã đã được hỗ trợ dán tem Qrcode để truy xuất ngồn gốc sản phẩm. Thông qua việc dán tem Qrcode đã góp phần công khai các thông tin về sản phẩm và đơn vị sản xuất cho người tiêu dùng, giúp bảo vệ và phát triển thương hiệu của đơn vị sản xuất; từ đó, giúp các Hợp tác xã thanh long của tỉnh tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng và mở rộng xuất khẩu thanh long sang các thị trường khó tính như Châu Âu với giá tốt hơn, tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận, đồng thời giúp việc quản lý hàng hóa và thông tin tiêu thụ của các Hợp tác xã một cách dễ dàng hơn…

Phục vụ tốt hơn cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, ngư dân Bình Thuận đã sử dụng thiết bị dò cá, đo sâu bằng sóng siêu âm, máy Rada hàng hải, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy thu lưới vây, hệ thống thu - thả lưới chụp, thu câu, ứng dụng máy tời thủy lực cho hệ thống thu - thả lưới, hệ thống ganh của nghề mành chụp; sử dụng máy thông tin liên lạc, máy định vị vệ tinh, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để liên lạc, tiếp nhận thông tin từ tàu cá, giám sát tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, xác định vị trí, tọa độ chính xác, thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn tàu cá trên biển.


Ngư dân gắn các thiết bị giám sát hành trình khi ra khơi

Ngoài ra,  một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình quản lý, vận hành hệ thống nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp nhằm giám sát, cảnh báo chất lượng nước của các ao nuôi; kiểm soát chất lượng nước cấp cho các ao nuôi; kiểm soát chất lượng và khối lượng nước thải từ các ao nuôi; sử dụng máy cho ăn tự động, giúp giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh ta đã thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng”. Dự án này đã giúp quản lý số liệu hiện trạng rừng, dịch vụ môi trường rừng; cung cấp bản đồ cảnh báo mất rừng; cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh về tình trạng biến động rừng cho lực lượng kiểm lâm địa bàn trực tiếp đến hiện trường điều tra, tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời, triệt để các vụ việc…

Với những kết quả đã được, có thể khẳng định để hiện đại hóa ngành nông nghiệp tỉnh nhà thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản, tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, hộ nông dân chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, định hướng sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, đồng thời bảo đảm sinh kế cho nông dân.

Nguồn binhthuan.gov.vn

Tin khác
1 2 3 4 5 
Chuyên mục











Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang